Bị viêm chân răng là bệnh lý răng miệng phổ biến, có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào nếu không chăm sóc đúng cách. Khi không điều trị sớm, viêm chân răng sẽ gây viêm nhiễm, làm ảnh hưởng đến nướu răng khiến răng bị lung lay và mất răng sớm. Những dấu hiệu viêm chân răng, cách khắc phục dưới đây sẽ giúp ích cho bạn.
Viêm chân răng là sự tổn thương các tổ chức xung quanh răng và chân răng, các tổn thương này có triệu chứng là sưng, viêm nhiễm, tấy đỏ và khiến người bệnh bị đau ở vùng bị viêm. Lúc này, bệnh diễn tiến một cách âm thầm với việc các vi khuẩn lây lan sang vùng lân cận, phá hủy các cấu trúc hỗ trợ răng nằm trong xương hàm. Vậy bị viêm chân răng nên điều trị như thế nào?
Dấu hiệu nhận biết viêm chân răng
Ở mỗi giai đoạn, viêm chân răng sẽ gây nên những triệu chứng khác nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến ăn uống, sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày. Theo đó, dấu hiệu và triệu chứng bệnh viêm chân răng dễ nhận thấy nhất đó là:
- Vùng chân răng bị sưng đỏ, đau nhức.
- Chân răng bị chảy máu khi ăn uống, chải răng.
- Nướu mềm hơn bình thường, không bám chắc chân răng.
- Hởi thở và khoang miệng có mùi hôi khó chịu.
- Ở tình trạng nặng hơn, vùng viêm chân răng có thể hình thành các túi mủ, thậm chí biến chứng khiến răng lung lay, gãy rụng hàng loạt, mất răng sớm,...
Nguyên nhân bị viêm chân răng
Bị viêm chân răng được xác định do một trong số các nguyên nhân sau:
- Vi khuẩn trong mảng bám: Khi vệ sinh răng miệng kém, mảng bám vôi răng hình thành, mang theo vi khuẩn gây hại cho khoang miệng. Lâu ngày, vôi răng làm nhiễm trùng nướu, nướu bị sưng đỏ, chảy máu rồi nặng lên thành viêm chân răng.
- Răng mọc lệch hoặc mọc chen chúc: Là điều kiện để làm tăng khả năng hình thành vôi răng, khi vôi răng càng nhiều, nguy cơ bị nha chu càng cao. Ngoài ra, hút thuốc lá cũng khiến bệnh nha chu trở nên trầm trọng hơn.
- Sâu răng: Vi khuẩn lây lan, dần dần xâm nhập sâu vào tủy, mô nướu răng gây chảy máu, viêm nhiễm.
- Khô miệng: Một số loại thuốc như thuốc trầm cảm, huyết áp cao… có thể gây khô miệng. Nếu miệng không tiết đủ nước bọt, mảng bám sẽ dễ dàng hình thành, dẫn tới sâu răng và viêm chân răng.
- Thay đổi nội tiết tố khi mang thai, trẻ em đang ở tuổi dậy thì cũng thường gây nên các bệnh lý về nướu răng. Bên cạnh đó, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin C, các bệnh về máu cũng dẫn đến viêm chân răng.
Điều trị viêm chân răng như thế nào?
Tùy theo mức độ viêm chân răng ở mỗi trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị khác nhau. Chữa trị viêm chân răng sẽ được chia thành 2 dạng:
Viêm chân răng nhẹ
Trường hợp nướu bị sưng do lâu ngày không lấy cao răng, cấu trúc mô nha chu chưa bị tổn thương nghiêm trọng thì bác sĩ tiến hành lấy cao răng. Sau đó sẽ hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách để nướu tự hồi phục lại.
Viêm chân răng nặng
- Trường hợp viêm chân răng xuất hiện các túi mủ dưới nướu thì các phương pháp điều trị sẽ phức tạp hơn. Bên cạnh loại bỏ vôi răng là nguyên nhân gây bệnh, còn phải kết hợp với thao tác mở nướu nạo túi nha chu, làm sạch gốc răng.
- Trường hợp lợi bị tụt nhiều, thì cần ghép vạt lợi để hỗ trợ quá trình phục hồi của nướu. Ở giai đoạn này, bệnh sẽ cần dùng thêm thuốc kháng sinh để hỗ trợ.
- Trường hợp mô cứng của răng đã bị phá hủy nặng, viêm tủy xuống đến cuống răng khiến răng không thể duy trì hoặc việc duy trì sẽ gây ảnh hưởng tới các răng kế cận và sức khỏe răng miệng thì bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ.
Bị viêm chân răng sẽ được điều trị hiệu quả nếu bạn phát hiện sớm và đến nha khoa thăm khám kịp thời. Lưu ý không được tự ý chữa trị tại nhà nếu chưa khám xác định nguyên nhân gây bệnh lý. Khi nhận thấy răng miệng có dấu hiệu bất thường, tốt nhất nên sắp xếp đến nha khoa khám và điều trị.